Quyền tác giả hay tác quyền là độc quyền của một tác giả
cho tác phẩm của người này. Quyền tác giả được dùng để bảo
vệ các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa không bị vi
phạm bản quyền, ví dụ như: bài viết về khoa học hay văn học,
sáng tạo nhạc, ghi âm, tranh vẽ, hình chụp, phim và các chương
trình truyền thanh. Quyền này bảo vệ các quyền lợi cá nhân
và lợi ích kinh tế của tác giả trong mối liên quan với tác
phẩm. Quyền tác giả không cần phải đăng ký và thuộc về tác
giả khi một tác phẩm được ghi giữ lại ít nhất là một lần
trên một phương tiện lưu giữ.
Công ước Berne cho phép tác giả được hưởng tác quyền suốt đời cộng thêm tối thiểu 50 năm sau đó. Tuy nhiên các quốc gia tuân thủ công ước được phép nâng thời hạn hưởng tác quyền dài hơn.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì các tác phẩm được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả gồm có:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
d) Tác phẩm âm nhạc;
đ) Tác phẩm sân khấu;
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
i) Tác phẩm kiến trúc;
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, công trình khoa học;
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.