Nhãn hiệu là tài sản có giá trị rất lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình tồn tại cũng như phát triển của một doanh nghiệp. Đây là dấu hiệu mà ngay từ khi tiếp xúc người tiêu dùng có thể phân biệt được hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Nhãn hiệu có thể được thể hiện bằng chữ, bằng hình, bằng logo, slogan hoặc kết hợp của các yếu tố nêu trên.
Chủ thể sau khi đã đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu thì được độc quyền sở hữu và sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng, quyền sở hữu nhãn hiệu đó cho một chủ thể khác.
Ở Việt Nam để nhãn hiệu được bảo hộ thì nhãn hiệu đó phải có tính phân biệt, không được tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của một chủ thể đã đăng ký trước đó. Nhãn hiệu không được là yếu tố loại trừ như hình quốc kỳ, quốc ca, không là những yếu tố dễ nhận biết, phổ biến như chữ số, chữ cái hay những hình ảnh đơn giản, hay những từ ngữ mang tính chất mô tả hàng hóa, dịch vụ.
Để đăng ký nhãn hiệu, chủ thể đăng ký cần chuẩn bị những loại giấy tờ sau:
- Mẫu nhãn hiệu (09 mẫu);
- Sản phẩm và dịch vụ cần đăng ký (liệt kê);
- Giấy ủy quyền cho tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ.
Việc xem xét các điều kiện, tiêu chuẩn nhãn hiệu sẽ trải qua 02 giai đoạn: giai đoạn thẩm định hình thức và giai đoạn thẩm định nội dung.
Nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ có hiệu lực trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn. Trước thời điểm hết hiệu lực 06 tháng chủ sở hữu phải tiến hành gia hạn để duy trì hiệu lực.